Nha Trang là một thành phố ven biển và là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật và du lịch của tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam. Trước khi trở thành phần đất của Việt Nam, Nha Trang thuộc về Chiêm Thành. Các di tích của người Chăm vẫn còn tại nhiều nơi ở Nha Trang. Nha Trang được Thủ tướng chính phủ Việt Nam công nhận là đô thị loại 1 vào ngày 22 tháng 4 năm 2009. Đây là một trong 8 đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh của Việt Nam. Nha Trang được mệnh danh là hòn ngọc của biển Đông vì giá trị thiên niên và sắc đẹp của nó.
1.Vị trí
Trung tâm Chính trị - Văn hóa tỉnh Khánh Hòa
Thành phố Nha Trang hiện nay có diện tích tự nhiên là 251 km², dân số 392.279[3](2009). Phía Bắc giáp thị xã Ninh Hòa, phía Nam giáp huyện Cam Lâm, phía Tây giáp huyện Diên Khánh, phía Đông giáp Biển Đông.
2.Địa hình
- Đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang
Nha Trang nằm ở phía Đông Đồng bằng Diên Khánh - Nha Trang. Một đồng bằng được bồi lấp bởi sông Cái Nha Trang có diện tích gần 300 km², địa hình đồng bằng bị phân hóa mạnh:
Phần phía Tây dọc sông Chò từ Khánh Bình đến Diên Đồng bị bóc mòn, độ cao tuyệt đối khoảng 10-20 m
Phần phía Đông là địa hình tích tụ độ cao tuyệt đối dưới 10m, bề mặt địa hình bị phân cắt mạnh bởi các dòng chảy.
- Sông Cái Nha Trang
Sông Cái Nha Trang (còn có tên gọi là sông Phú Lộc, sông Cù) có chiều dài 79 km, phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 m, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Sông Cái Nha Trang có 7 phụ lưu, bắt nguồn ở độ cao từ 900 đến 2.000 m nhưng lại rất ngắn, thường dưới 20 km nên độ dốc rất lớn tạo nhiều ghềnh thác ở thượng lưu. Sông chảy đến thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang thì chia làm 2 nhánh:
Một nhánh chảy theo hướng Đông-Nam, men theo chân núi Đồng Bò, chảy xuống Trường Đông, Vĩnh Trường và chảy ra cửa biển Tiểu Cù Huân, gọi là Cửa Bé. Nhánh này hiện nay đã bị lấp, chỉ đến mùa nước lũ, dòng chính mới hiện rõ.
Nhánh thứ hai chảy xiên theo hướng Đông - Bắc (đây là nhánh chính của sông Cái) từ Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc chảy đến Ngọc Hội, sông chia làm 2 chi:
Chi thứ nhất chảy vào Phương Sài, gọi là Ngư Trường (người xưa mượn bến Trường Cá tại Phường Củi mà đặt), rồi chảy xuống Hà Ra (nơi đây xưa kia, nước xoáy tạo thành một đầm rộng gọi là đầm Xương Huân nay đã bị lắp để xây chợ Đầm) rồi chảy tiếp ra cửa Đại Cù Huân, tức Cửa Lớn Nha Trang.
Chi thứ hai rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng - Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Nha Trang như chi kia.
Hai chi trước khi chảy ra cửa biển, gặp nhau và cùng ôm lấy cồn đất phù sa, tên gọi là Cồn Dê (Cồn Ngọc Thảo).
Phần thượng lưu của sông Cái Nha Trang có rất nhiều thác. Từ cửa sông Chò trở lên thì có thác Đồng Trăng, thác Ông Hào, thác Đá Lửa, thác Nhét, thác Mòng, thác Võng. Qua khỏi thác Võng thì có thác Dằng Xay, thác Tham Dự, thác Ngựa, thác Hông Tượng, thác Trâu Đụng, thác Giang Ché, thác Trâu Á, thác Nai, thác Rùa, thác Hòm... Phần trên nguồn còn có rất nhiều thác nhưng ít người lên đến nên không có tên gọi.
3.Khí hậu
Khí hậu Nha Trang tương đối ôn hòa hơn. Thường có 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa ngắn, từ khoảng giữa tháng 9 đến giữa tháng 12 dương lịch, tập trung vào 2 tháng 10 và tháng 11, lượng mưa thường chiếm trên 50% lượng mưa trong năm. Những tháng còn lại là mùa khô, trung bình hàng năm có tới 2.600 giờ nắng.Nhiệt độ trung bình hàng năm của Nha Trang cao khoảng 26,7 °C riêng trên đỉnh núi Hòn Bà (cách Nha Trang 30 km đường chim bay) có khí hậu như Đà Lạt và Sa Pa. Độ ẩm tương đối khoảng 80,5%.
4.Vịnh Nha Trang
Vịnh Nha Trang có diện tích khoảng 507km² bao gồm 19 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Hòn Tre là đảo lớn nhất, với diện tích 3.250 ha; đảo nhỏ nhất là Hòn Nọc chỉ khoảng 4 ha. Vịnh có khí hậu hai mùa rõ rệt Mùa khô kéo dài từ tháng giêng đến tháng 8, mùa mưa từ tháng 9 đến tháng 12; nhiệt độ bình quân hàng năm là 26⁰C; nóng nhất 39⁰C, lạnh nhất 14,4⁰C. Về mặt sinh thái, vịnh Nha Trang là một trong những hình mẫu tự nhiên hiếm có của hệ thống vũng, vịnh trên thế giới bởi nó có hầu hết các hệ sinh thái điển hình, quý hiếm của vùng biển nhiệt đới. Đó là hệ sinh thái đất ngập nước, rạn san hô, rừng ngập mặn, thảm cỏ biển, hệ sinh thái cửa sông, hệ sinh thái đảo biển, hệ sinh thái bãi cát ven bờ. Đặc biệt khu vực Hòn Mun của Vịnh Nha Trang có đa dạng sinh học cao nhất với 350 loài rạn san hô chiếm 40% san hô trên thế giới.